Lạc (Arachis
hypogaea L.) vừa là cây công
nghiệp ngắn ngày, cây thực phẩm và cũng là cây có dầu có giá trị kinh tế cao.
Trên thế giới, trong số các loại cây có dầu ngắn ngày, cây lạc được xếp thứ 2
sau đậu tương về diện tích và sản lượng, xếp thứ 13 trong các cây thực phẩm
quan trọng, xếp thứ 4 về nguồn dầu thực vật và xếp thứ 3 về nguồn protein cung
cấp cho người.
Cũng như các cây họ đậu khác, lạc là cây có
khả năng cố định nitơ sinh học rất quan trọng cho cây trồng thông qua hoạt động
sống của vi sinh vật. Ước tính có khoảng 72-124kg N/ha/năm cố định được sau khi
canh tác lạc. Trong những điều kiện tối
ưu, cây lạc có thể cố định được từ khí trời khoảng 200-260kg N/ha cung cấp cho
đất. Bên cạnh còn có một khối lượng sinh học lớn của thân lá lạc bị phân huỷ
sau khi thu hoạch đã để lại một lượng mùn đáng kể, lạc cũng được xem là cây che
phủ đất rất tốt, nếu gieo trồng ở mật độ thích hợp, quản lý cỏ dại tốt ở thời
gian đầu, cây lạc hoàn toàn có khả năng khống chế được cỏ dại trong suốt thời
kỳ sinh trưởng, do vậy sẽ giảm đáng kể số công lao động để chuẩn bị đất gieo
trồng vụ sau. Vì vậy, trồng lạc có tác dụng cải tạo đất, bồi dưỡng độ phì nhiêu
cho đất, tạo điều kiện thuận lợi trong việc luân xen canh, thâm canh tăng năng
suất cây trồng, nhất là đối với những vùng đất xám, đất bạc màu nghèo dinh
dưỡng.
Xét về
dinh dưỡng thì lạc là một trong những nguyên liệu quý đóng góp tỷ lệ đáng kể
vào thành phần chất béo, protein và lượng dầu thực vật quan trọng cho khẩu phần
ăn hằng ngày của con người. Dầu lạc có thể thay thế mỡ động vật và có tác dụng
tốt cho sức khoẻ, có khả năng làm giảm hàm lượng cholestrerol trong máu nên có
thể ngăn ngừa những bệnh xơ cứng động mạch, cao huyết áp, suy dinh dưỡng.
Phân loại, nguồn gốc, vùng
phân bố và lịch sử phát triển
Lạc (Arachis
hypogaea L.) là cây họ đậu thuộc
họ cánh bướm (Fabacecae), chi Arachis và có đến 70 loài khác nhau. Dựa
trên cấu trúc hình thái, khả năng tổ hợp và mức độ hữu dục của con lai, người
ta đã mô tả được 22 loài phân chia theo nhóm.
Cây
lạc trồng hiện nay thuộc loài A. Hypogaea
có 2n = 40. Loài A. Hypogaea được
chia thành hai loài phụ là Hypogaea ssp và Fastigiata ssp. Mỗi
loài phụ được phân chia thành hai thứ: Loài phụ Hypogaea spp chia thành
thứ Hypogea (nhóm
virginia) và thứ Hirsuta; loài phụ Fastigiata spp chia thành Fastigiata
(nhóm valencia) và Vulgaris (nhóm
spanish).
Nguồn gốc chính của loài lạc trồng (Arachis hypogaea L.) ở châu Mỹ, tuy nhiên về trung tâm khởi nguyên vẫn còn nhiều quan
điểm khác nhau. Theo Candoble (1982), Arachis hypogaea L. được thuần hóa ở Granchaco phía Tây Nam Brazil. Theo Krapovickas (1968), Cardenas (1969) cho rằng vùng thượng lưu
sông Plata Bolivia là trung tâm khởi nguyên của A. Hypogaea. Vào thế kỷ 16 người Bồ Đào
Nha đã mang lạc từ Brazil đến Tây châu Phi và sau đó là Tây Nam Ấn Độ. Cũng
trong thời gian này người Tây Ban Nha đã du nhập lạc vào Tây Thái Bình Dương
như Trung Quốc, Indonesia, Madagascar và sau đó lan rộng ra khắp châu Á. Do ít
mẫn cảm với thời gian chiếu sáng và có tính chịu hạn tốt cho nên lạc được trồng
ở nhiều quốc gia trên thế giới từ 40 vĩ độ Bắc đến 40 vĩ độ Nam (Nigam et al,
1991).
Ở Việt Nam, lịch sử trồng lạc chưa được xác
minh rõ ràng, sách “Văn đài loại ngữ” của Lê Quí Đôn cũng chưa đề cập đến cây
lạc. Nếu căn cứ vào tên gọi mà xét đoán thì danh từ “Lạc” có thể do từ Hán “Lạc
hoa sinh” là từ mà người Trung Quốc gọi cây lạc. Do vậy, cây lạc có thể từ
Trung Quốc nhập vào nước ta khoảng thế kỷ 17-18.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét